Thứ Bảy, 7 Tháng Mười Hai, 2024

Những câu hỏi từ kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2019

Chính sách

KTS. Trần Huy Ánh - CitySolution
KTS. Trần Huy Ánh - CitySolutionhttps://hanoi.land/cs
Trung tâm nghiên cứu Giải pháp – Chính sách quản trị phát triển đô thị (CitySolution) là một đơn vị thành viên của Hanoi.Land - chuyên nghiên cứu các vấn đề trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt là của Thành phố Hà Nội. Chúng tôi chú trọng vào việc tư vấn, phản biện mang tính xây dựng và đề xuất các giải pháp, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Cần làm rõ nhiều thông tin

Tháng 12.2019 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019”(1) nhằm  đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua, đánh giá được sự biến động đất đai, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ TNMT được giao thực hiện đến tháng 12.2020.

Sau hơn nửa năm chậm trễ, tháng 7.2021 Bộ TNMT đã công bố kết quả kiểm kê, kèm theo 04 biểu phụ lục loại đất, đối tượng sử dụng đất và 07 biểu phụ lục chi tiết của 63 tỉnh thành theo 7 vùng địa lý/ kinh tế (2).

Bản đồ Google Earth  thể hiện  Đường Lâm với nhiều lớp thông tin văn hóa, lịch sử.

Đối chiếu với Đề án thì sản phẩm còn thiếu bản đồ, báo cáo thuyết minh tình hình quản lý, sử dụng đất. Nếu kiểm kê “đất xây dựng trụ sở cơ quan” mà không phân tích tình hình quản lý sử dụng thì hàng triệu mét vuông công sở đang sử dụng lãng phí, trái luật vẫn khó phát hiện. Ví dụ Bộ TNMT đã có trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ .

Đất “tôn giáo, tín ngưỡng” không làm rõ hoạt động tôn giáo hay kinh doanh du lịch dịch vụ mang hình thức tâm linh thì sẽ thất thoát tiền thuế, tài sản của hàng ngàn ha mặt đất, mặt nước, cảnh quan đồi núi (như Bái Đính, Tam Chúc… mà báo chí đã phản ánh), tạo lỗ hổng cho việc phá rừng, bạt núi  như Chín Khúc (Nha Trang), Lũng Cú (Hà Giang)…

Bản đồ kiểm kê đất đai Đường Lâm  theo quy định ngành TNMT thể hiện đất nông nghiệp thành hàng chục loại mầu khó khăn phức tạp nhưng dễ dàng  giảm diện tích từ 61% xuống còn 23%  thành đất đô thị ( để kinh doanh bất động sản?!).

Kiểm kê cả nước có 15.381.113 ha đất rừng, trong đó 2.294.090 ha đặc dụng; 7.975.105 ha sản xuất, 5.111.918 phòng hộ. Không khớp số liệu ông Nguyễn Xuân Cường (nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) công bố trước Quốc Hội (tháng 11.2020) là 14,6 triệu ha, trong đó 10,3 triệu ha rừng tự nhiên; 4,3 triệu ha rừng trồng (3). Chưa bàn trách nhiệm công bố thông tin đúng sai mà cần làm rõ về khái niệm, vì các loại rừng khác nhau sẽ tạo kết cấu đất đai khác nhau, khả năng chống chịu thảm họa lũ lụt sạt lở, mức độ an toàn cho sản xuất, tính mạng con người khác nhau… Ứng phó nhầm lẫn sẽ dẫn đến thảm họa. Ví dụ, vụ sạt lở đất thủy điện Rào Trăng làm hàng chục người chết và mất tích.

Quản lý đất đai Việt Nam trong kinh tế kế hoạch tập trung được coi là tư liệu sản xuất nông nghiệp. Mô hình kinh tế vận hành theo lối mới lâu nhưng ngành TNMT vẫn kế thừa mô hình phân loại lạc hậu, cứng nhắc để phân đất nông nghiệp thành 6 loại, với 30  loại, ký hiệu, màu sắc thống kê, vẽ bản đồ… điều này vô tình làm khó cho quản lý cấp cơ sở lại ít có giá trị cho công tác quản lý, khai thác thài nguyên.

Kiểm kê đất đai cần kèm theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất 

Đối chiếu với mục Sản phẩm chính trong Đề án thì phải có  Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của cả nước ở tỷ lệ 1:1.000.000, các vùng kinh tế – xã hội tỷ lệ 1:250.000, thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất các vùng kinh tế – xã hội và cả nước năm 2019. Được biết đợt kiểm kê này, các đơn vị thuộc Bộ TNMT đã đối soát bản đồ địa chính và loại khác tại các địa phương có độ chính xác kết hợp hồ sơ địa chính để khoanh vẽ, đối soát thực địa với ảnh vệ tinh, ứng dụng phần mềm tin học để tạo  cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia chính xác, tin cậy…

So sánh bản đồ địa chính đầu  thế kỷ 20 và bản  đồ địa chính mới.

Bản đồ địa chính Việt Nam vốn rất chính xác, hiệu quả do tiếp nhận mô hình địa chính tân tiến bậc nhất thế giới đầu thế kỷ 20. Nha Địa chính Đông Dương do các kỹ sư Pháp điều hành đã đào tạo các nhân viên người Việt thành thạo các nghiệp vụ đo đạc, biên vẽ bản đồ và hồ sơ đăng ký nhà đất cũng như thu thuế đất tư, cho thuê đất công. Hồ sơ Địa chính Hà Nội quản lý 30.000 bằng khoán điền thổ cùng với hàng trăm ngàn thửa đất đạc hoạ tỷ lệ 1/200 trong hơn 900 tờ bản đồ khổ A0. Nhân viên địa chính hàng ngày cập nhật biến động bằng bút chì vào bản đồ và sổ sách một cách chính xác. Quy hoạch Hà Nội được nghiên cứu trên nền  bản đồ địa chính nên hạn chế phá dỡ các công trình kiến trúc kiên cố và  tạo sự đồng thuận với  các chủ  đất.

Tại những nơi mới mở rộng thành phố, các tờ bản đồ được vẽ lại và lưu vết khoa học. Hồ sơ, bản đồ địa chính Hà Nội xây dựng từ 1885- 1955 và tiếp tục cập nhật khai thác nhiều năm sau, hoạt động trơn tru: không sai sót, kiện cáo cho đến khi đất đai không được coi là tài sản mà chỉ là tư liệu sản xuất do Sở Quản lý ruộng đất quản lý. Năm 1994-1996, Sở Địa chính Hà nội tái lập từ một phần Sở Quản lý ruộng đất (Bộ  Nông nghiệp) với bộ phận cấp phép Sở Xây dựng (Bộ Xây dựng). Bản đồ Địa chính mới lập (1996) vẽ  theo cách cắm cọc căng dây, biên vẽ còn nhiều sai sót, không thể dùng làm nền nghiên cứu quy hoạch đô thị.

Hà Nội hơn 20 năm qua đã có nhiều biến đổi, nhưng bản đồ địa chính cũ, chất lượng thấp kèm theo trình độ  nhân lực, công cụ quản lý hạn chế. Bản đồ đo đạc nhiều lần, mỗi lần cho một kết quả khác nhau, hậu quả là tranh chấp khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai là không tránh khỏi.

Bản đồ số hóa/ đồng bộ hồ sơ quy hoạch sử dụng đất tích hợp với các nội dung khác đặt trên nền bản đồ vệ tinh, cung cấp miễn phí tại “quyhoach.hanoi.vn” bởi VietPalm. Ví dụ bản đồ tổng thể Hà Nội và phóng to chi tiết một lô đất.


 Năm 2005, ngành TNMT đã khởi động kiểm kê đất đai bằng bản đồ số, nhưng do phần mềm vẽ bản đồ chỉ hỗ trợ in ấn, xuất bản – không có  chức năng quản lý, kết nối mạng. Nhiều cán bộ địa chính các địa phương khả năng cập nhật biến động bản đồ bằng phần mềm đồ họa hạn chế, mỗi lần kiểm kê trông nhờ vào các doanh nghiệp đặc thù (ẩn ý độc quyền). Người quản lý thì không rành vẽ, người biết vẽ thì không có thông tin nên việc đồng bộ hóa dữ liệu bản đồ số từ xã phường lên quận huyện tới tỉnh thành phố, quốc gia do vậy còn muôn vàn trở ngại.

Trong 20 năm (2000-2020) nhiều lần ngành TNMT công bố các dự án số hoá bản đổ, tin học hoá quản lý địa chính từ cấp địa phương tới quốc gia… nhưng thông tin đất đai của ngành vẫn không có vô hình trung đã tạo cơ hội cho các dự án giả bán đất thật tràn lan khắp nơi. Ngay cả khi công bố Kiểm kê đất đai toàn quốc nhưng không kèm theo bản đồ hiện trạng, cho thấy viễn cảnh ngành TNMT cung cấp dữ liệu nền địa lý quốc gia để lập quy hoạch còn rất xa vời. Thực tế cho thấy cần nhiều mô hình mới thay vì chỉ các đơn vị của ngành TNMT xây dựng dữ liệu khung cơ sở dữ liệu quốc gia, ví dụ cơ sở dữ liệu số về quy hoạch đô thị Hà Nội đang được các doanh nghiệp công nghệ triển khai. Hay nhìn rộng ra, là hình mẫu tư liệu bản đồ của Nhật Bản dưới đây, dù đã công bố từ năm 1977, 1990 nhưng rất đáng để cùng tham khảo.

Trích ghép Bản đồ tỷ lệ 1/2.500.000  đủ dữ liệu tự nhiên/ thông tin kinh tế.

Bản đồ thổ nhưỡng, thảm thực vật cùng với dữ liệu trồng trọt.

Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội)

______________

Nguồn ảnh: Tư liệu Bản đồ Nhật Bản trong Web site của Bộ MLIT công bố . Hanodata trích ảnh minh họa theo chủ đề – không thể hiện nội dung biên giới/ lãnh thổ.

(1) https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/tim-van-ban.aspx?keyword=1932%2fQ%c4%90-TTg&area=2&type=0&lan=1&match=False&sort=2&vc=True

(2) https://monre.gov.vn/VanBan/Lists/VanBanChiDao/Attachments/2624/1432-qd-btnmt_Signed.pdf

(3) https://nhandan.vn/vi-moi-truong-xanh/he-so-che-phu-rung-cua-viet-nam-dat-42-cao-hon-muc-binh-quan-cua-the-gioi-623083/

- Advertisement -spot_img

Mới nhất

Nhìn lại sau 10 năm thực hiện chiến lược Phát triển KT-XH Hà Nội 2012-2022 – Bài 1: Hạ tầng cho nền kinh tế...

Khu đô thị công nghệ cao Hòa Lạc sau 10 tập trung đầu tư (2012-2022) “Chiến lược” đặt ra mục...

Bài viết liên quan