Quy hoạch xây dựng Hà Nội có Hành lang Xanh
Năm 2009, Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Xây dựng chủ trì, đã chọn Tư vấn lâp Quy hoạch bởi ý tưởng đặc sắc Hành lang Xanh. Theo đó, Hà Nội sẽ dành diện tích làm “Hành lang Xanh“. Hành lang Xanh có 40% vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn.
Hành lang Xanh cơ bản là tô màu xanh vào lưu vực thoát lũ Hà Nội do người Pháp đã lập cách đây 100 năm. Bản Quy hoạch được Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) trao bằng khen mục “Thiết kế đô thị” cho các tác giả thực hiện Quy hoạch, với diễn giải: “Họ đã vẽ bằng tay, thể hiện ý tưởng một cách sáng tạo”.
Sau gần 10 năm (2011-2020), phát triển đô thị theo bản quy hoạch này không giống như bức tranh vẽ đẹp, chỉ có các dự án bất động sản xây trên đất nông nghiệp, đền bù với giá rẻ để rồi bán đất xây nhà ở thương mại cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần thành công, còn tài nguyên đất đai ven đô cạn kiệt nhanh chóng, để lại những vấn nạn: giao thông tắc nghẽn, nước thải, rác thải, khí thải ô nhiễm gia tăng, đặc biệt hệ thống thủy lợi được xây dựng bền bỉ qua trăm năm bị chia cắt/đứt gãy trở nên vô dụng trong chốc lát,… khiến quỹ đất nông nghiệp dần hoang hóa, thoái biến. Hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên bị phá vỡ.
Quy hoạch chống lũ không tính đến hạn hán, nhiễm mặn, ô nhiễm
Năm 2016, Bộ NN-PTNT chủ trì lập và trình duyệt “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình”. Nhằm đảm bảo an toàn thoát lũ, Quy hoạch chỉ ra cần di dời 855.993 người đang định cư trên diện tích 12.504 ha trong các bãi sông và chỉ cho phép xây dựng <15% diện tích bãi sông tại Tầm Xá – Xuân Canh và Long Biên – Cự Khối (Hà Nội) và có thể nghiên cứu xây dựng tại 132 tuyến đê, tổng diện tích 32.629 ha.
Tổng dự toán gần 113 ngàn tỷ đồng. Ngoài vốn Ngân sách còn xã hội hóa, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi sông hoặc đầu tư PPP (sử dụng đất vùng bãi sông) – có thể hiểu là tiền đầu tư thu từ tiền bán diện tích dành cho thoát nước – để đảm bảo thoát nước nhanh, an toàn trong mùa lũ.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) nông nghiệp và thủy sản Việt Nam đóng góp 18% GDP, với 48% lao động, sử dụng tới 92% tổng lượng nước. Việt Nam là quốc gia có hiệu suất sử dụng nước rất thấp, chỉ 2,37 USD-GDP/m3 nước, thấp hơn Lào, Philippines; Thái Lan cao gấp 3 (6,93), Trung Quốc gấp 7,7 lần (18,2), Pháp cao gấp 36,5 lần (86,48). Việt Nam không chỉ có lũ mà còn hạn hán, ô nhiễm và úng ngập đô thị.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cả nước đang thiếu hụt nguồn nước, nhiều nơi khô hạn trầm trọng và nhiễm mặn. Tại miền Bắc, mực nước sông Hồng 10 năm liền liên tục xuống thấp, trước đây các hồ chứa thủy điện chỉ phải xả 2,5 tỷ m3 nước là tất cả các trạm bơm dọc sông Hồng có thể lấy được nước, nay tăng gấp đôi (4,3-5,7 tỷ m3) mà nhiều trạm bơm vẫn không thể lấy nước, nước trữ trong các hồ cũng thấp.
Trong khi đó, mỗi khi mưa lớn lại úng ngập đô thị, không chỉ Hà Nội mà toàn bộ 11 thành phố bên sông đã úng ngập. Sông Hồng – Thái Bình có hơn 40% nguồn nước từ bên ngoài đã sẵn ô nhiễm, trong lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng tiếp tục nhận nước thải sinh hoạt đô thị và công nghiệp; nước thải nông nghiệp cũng ô nhiễm bởi dư lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Nguy cơ nhiễm mặn tiềm tàng khi nước biển dâng, diện tích lưu vực sông có thể giảm 15% (WB).
Quy hoạch chống lũ và đê điều do ngành dùng nhiều nước nhất lập ra thì cần xác định tổng nhu cầu, cần dự trữ là bao nhiêu, cần bao nhiêu diện tích để trữ nước, đặt ở đâu? Quy hoạch để tìm đất dành cho nước chứ không phải tìm trong đất vốn dành cho nước, bán bớt đi để xây dựng.
Nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước
Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi động lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Tháng 12/2017, Bộ phê duyệt nhiệm vụ. Năm 2019, Bộ họp đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trình duyệt vào quý 3/2021.
Trong khi Quy hoạch chưa có thì hàng ngày, hàng giờ, các con sông bị ô nhiễm và lan truyền ô nhiễm, khô hạn và ngập mặn tràn lan. Tháng 10/2018, tại Quốc hội, Bộ TN-MT cho biết Việt Nam có đến 840 tỷ m3 nước, nhưng “chúng đang phải đối mặt với nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước“.
Cả nước có 3.450 sông, suối dài >10 km, chỉ riêng sông Nhuệ (Hà Nội) chảy nước ô nhiễm xuống Hà Nam, Bộ đã phải có 6 nhóm giải pháp: tăng cường, đẩy mạnh, chú trọng, đề nghị, triển khai, phối hợp,… đã làm trong 30 năm qua, nhưng ô nhiễm không giảm mà ngày càng trầm trọng thêm. Chừng nào ngành TN-MT còn không chỉ rõ nguồn phát thải ô nhiễm, không có biện pháp hiệu quả, lộ trình rõ ràng và cam kết trách nhiệm quản lý ngành tường minh thì nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước vẫn rất tiềm tàng.
Đầu năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao lập “Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, theo Luật Quy hoạch. Phạm vi nghiên cứu toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có sông Hồng – Thái Bình. Đối tượng bao gồm: Nước mặt, nước dưới đất. Quan điểm là đảm bảo yêu cầu tài nguyên nước được phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu… ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt.
Theo kế hoạch triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là đơn vị đi đầu, chuẩn bị dữ liệu nền cho tất cả các Quy hoạch khác, như vậy Bộ cần xây dựng “Cơ sở dữ liệu về quy hoạch là tập hợp thông tin thể hiện nội dung cơ bản về quy hoạch được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử“, công bố “Sơ đồ, bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch.”
Để “Cơ quan, tổ chức, cộng đồng có quyền tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch; cá nhân có quyền tham gia ý kiến về hoạt động quy hoạch”. Hy vọng với cách tiếp cận mới này, không chỉ Hồng Hà – Hà Nội mà cả nước sẽ có lộ trình bảo đảm an ninh nguồn nước một cách bền vững.
Bài viết đã được đăng trên báo điện tử VietnamNet